Tàn nhang là một bệnh da liễu thuộc vùng mặt, hay gặp ở phụ nữ thời kỳ mang thai hoặc tiền mãn kinh và nam giới giai đoạn trung lão niên.

Tàn nhang là một bệnh da liễu thuộc vùng mặt, hay gặp ở phụ nữ thời kỳ mang thai hoặc tiền mãn kinh và nam giới giai đoạn trung lão niên. Ngoài ra còn gặp ở những người bị bệnh gan mật và một số bệnh mạn tính khác. Theo y học cổ truyền, nguyên nhân gây nên tàn nhang thường do tình chí bất toại, can khí uất kết, thận khí bất sung hoặc xung nhâm thất điều gây nên. Phương pháp trị liệu bằng ăn uống của Đông y cho rằng, những người bị tàn nhang cần trọng dụng những thực phẩm có công dụng thanh nhiệt lợi thấp và kiêng kỵ những đồ ăn thức uống có tính cay nóng. Dưới đây, xin giới thiệu một số món ăn - bài thuốc có công dụng phòng chống tàn nhang để bạn đọc tham khảo.

Bài 1: đan bì 10g, chi tử 10g, gạo tẻ 30g. Cách chế: đan bì và chi tử rửa sạch, sắc kỹ, lấy nước bỏ bã rồi cho gạo vào nấu thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày, dùng liên tục trong 10 ngày là một liệu trình. Công dụng: sơ can thanh nhiệt, hoạt huyết lợi thấp, làm cho vết tàn nhang tiêu thoái hoặc nhạt đi.

Bài 2: bạch linh 15g, hoài sơn 15g, đậu xanh 20g, gạo tẻ 60g. Cách chế: bạch linh và hoài sơn sấy khô, tán thành bột mịn; đậu xanh và gạo tẻ đem ninh thành cháo rồi cho bột bạch linh và hoài sơn vào, đun sôi một lát là được, chế thêm một chút đường trắng, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: sơ can thanh nhiệt, dưỡng tâm an thần, thường dùng cho những người bị tàn nhang do suy nhược thần kinh, ăn kém, mất ngủ thường xuyên.

Bài 3: sinh địa 15g, huyền sâm 10g, chi tử 10g, liên nhục 30g. Cách chế: sinh địa và huyền sâm rửa sạch sắc kỹ, lấy nước bỏ bã rồi cho chi tử và liên nhục vào ninh nhừ, chế thêm một chút đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: tư âm thanh nhiệt, ích can bổ thận, thường dùng cho những người bị tàn nhang thuộc thể âm hư biểu hiện bằng các chứng trạng như người gầy, hay hoa mắt chóng mặt, miệng khô họng khát, có cảm giác bốc hỏa hoặc sốt nóng về chiều, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ, không hoặc ít rêu...

Bài 4: dưa chuột tươi 100g, hoài sơn tươi (củ mài) 100g. Cách chế: dưa chuột rửa sạch gọt vỏ, bỏ ruột thái miếng; hoài sơn rửa sạch gọt vỏ, thái miếng; hai thứ cho vào nồi hầm nhừ, chế thêm một chút đường, dùng làm đồ điểm tâm hàng ngày. Công dụng: thanh nhiệt dưỡng âm, kiện tỳ bổ thận, trừ ban.

Bài 5: đậu đen 60g, ích mẫu thảo 30g. Cách chế: hai thứ cho vào nồi, đổ 3 bát nước, sắc còn 1 bát, bỏ bã, chế thêm một chút đường đỏ và 1 - 2 thìa rượu gạo, chia uống vài lần trong ngày. Công dụng: dưỡng âm, hoạt huyết, bổ huyết, điều kinh, trừ ban.

Cần chú ý ăn nhiều hoa quả tươi như lê tươi, táo, quýt, na, nho, chanh, cam, chuối chín... và các loại rau xanh. Kiêng ăn các thức ăn có tính kích thích như hành tỏi, gừng, quế, hồi, hạt tiêu, ớt... và các thức ăn chiên xào, quay nướng như gà quay, vịt quay, thịt hun khói, thịt nướng... Đặc biệt, cần kiêng tuyệt đối rượu và thuốc lá.

Theo ThS. Hoàng Khánh Toàn

Sức khỏe & Đời sống

Tag :trị tàn nhang, bệnh da liễu, tiền mãn kinh, suy nhược thần kinh, hoa quả tươi
Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.