Các chuyên gia đang giải đáp mọi thắc mắc về bệnh dại, tư vấn cách xử trí đúng khi bị chó mèo nghi dại cắn...

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết cào, vết xước trên da và niêm mạc bị tổn thương. Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%.

Theo thống kê của WHO, mỗi năm có khoảng 50.000 người tử vong do dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vắc xin phòng dại. Tại Việt Nam, bệnh dại (chủ yếu từ chó) đã lưu hành trong nhiều năm, cướp đi nhiều mạng sống. Riêng giai đoạn từ năm 2011-2015, mỗi năm có khoảng 400.000 người bị chó nghi mắc dại cắn và khoảng 90 người tử vong do bệnh dại; tập trung tại các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.

Theo Bộ Y tế, về cơ bản nước ta đã khống chế được bệnh dại trên toàn quốc, với số trường hợp tử vong do bệnh dại đã giảm xuống còn khoảng dưới 100 trường hợp tử vong/năm vào những năm 2010 trở lại đây. Tuy nhiên, số tỉnh có ca bệnh dại không giảm và vẫn còn một số tỉnh, thành có số tử vong cao do dại. Phí tổn điều trị dự phòng bằng vắc xin dại hiện vẫn ở mức hơn 300 tỷ đồng mỗi năm (chưa kể tổn thất đến sức khỏe, tinh thần của người dân).

Các chuyên gia vệ sinh dịch tễ cho rằng, sở dĩ bệnh dại chưa thể loại trừ, là do đàn chó nuôi ở Việt Nam chưa giảm; chó chủ yếu nuôi thả rông, không rọ mõm, không được tiêm phòng. Ngay cơ quan thú y cũng không thống kê được số ổ dịch chó dại và số chó chết vì bệnh dại. Nhiều người không thấy nguy cơ mất mạng vì chó cưng mà mình nuôi; đa số không biết xử lý vết thương cho đúng khi bị chó dại hoặc nghi dại cắn.

Để giải đáp mọi thắc mắc của bạn đọc về bệnh dại, cung cấp những thông tin hữu ích về căn bệnh nguy hiểm này, từ đó chung tay khống chế và loại trừ bệnh dại, báo VietNamNet phối hợp Bộ Y tế tổ chức Giao lưu trực tuyến Phòng chống bệnh dại.

- PGS.TS Hoàng Văn Tân - Phó chủ nhiệm thường trực Dự án khống chế & loại trừ bệnh dại, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Bộ Y tế.

- ThS. Nguyễn Thị Hường - Phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm , Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)

- TS. Nguyễn Ngọc Tiến - Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y, Bộ NN&PTNT

Viet Nga , Nữ - 30  Tuổi

Nhiều người cho rằng, tiêm vắc xin phòng dại khi bị chó cắn sẽ khiến người bệnh không thông minh, thậm chí bị dại theo. Điều này có thật hay không? Mức độ nguy hiểm của vắc xin phòng dại là như thế nào?

ThS Nguyễn Thị Hường: Các loại vắc xin phòng bệnh dại cho người thế hệ cũ từ nhiều năm trước thường gây ra nhiều tác dụng phụ. Tuy nhiên đến nay chưa ghi nhận một TH nào bị mắc bệnh dại hoặc ảnh hưởng đến trí tuệ do tiêm vắc xin. Hiện nay, các vắc xin thế hệ mới rất an toàn và có hiệu quả cao, hầu như không gây ra tác dụng phụ cho người sử dụng. Nếu có thì chỉ là tác dụng phụ nhẹ tùy theo loại vắc xin nhưng không đáng kể. Các Vắc xin thể hệ mới hầu như không có chống chỉ định đối với bất cứ TH nào kể cả đối với phụ nữ có thai hay cho con bú.

Vì vậy các bạn nên đến cơ sở ý tế để được tư vấn và tiêm phòng (Nếu cần) khi bị chó mèo cắn.

Đỗ thị Tú , Nữ - 50  Tuổi

Có rất nhiều trường hợp sau khi bị chó cắn đến tận cả nửa năm mới phát bệnh, vì sao lại như vậy? Tỷ lệ dại ở mèo có đúng là chỉ 3% hay không? Tại sao vắc xin dại lại phải tiêm định kỳ hàng năm cho chó thì tỷ lệ bảo hộ mới có, vì theo cơ chế thì khi đã tiêm lần 1, nhắc lại thì kháng thể bảo hộ tốt phải lưu hành trong người con vật lâu hơn.

TS. Nguyễn Ngọc Tiến: Trường hợp bạn nêu là hoàn toàn chính xác, tuy nhiên đây không phải là trường hợp phổ biến. Thông thường, một người sau khi bị chó dại cắn trung bình sau 1 đến 3 tháng sẽ phát bệnh, trường hợp ngắn nhất khoảng 10 ngày, dài nhất khoảng 1 năm. 

Thời gian phát bệnh sau khi bị chó dại cắn sẽ phụ thuộc vào vị trí của vết cắn. Nếu vết cắn càng gần thần kinh trung ương ( ví dụ: như cắn vào vùng đầu, mặt..) thì thời gian phát bệnh càng nhanh hơn.

Theo thống kê, tỷ lệ dại ở mèo chưa có số liệu thống kê chính xác. Ở Việt Nam chủ yếu dại là ở chó.

Vắc xin phải tiêm đúng định kỳ vì thời gian bảo hộ sau khi tiêm phòng vắc xin dại là 1 năm, nếu sau thời gian này mình không tiêm nhắc lại thì con vật dễ bị mắc bệnh dại vì đã hết kháng thể bảo hộ.

Nguyễn Xuân Thắng , Nam - 50  Tuổi

Khi bị chó dại cắn, người bệnh cần phải làm gì ngay ?Khi nào cần tiêm vacxin phòng bệnh dại ? Xin cảm ơn !

PGS.TS Hoàng Văn Tân: Người bị động vật (chó) nghi dại cắn phải sơ cứu rửa ngay vết thương bị cắn bằng cách: xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào với nước và xà phòng hoặc nước sạch trong vòng 10-15 phút (tốt nhất là rửa dưới vòi nước chảy); Sau đó rửa lại bằng cồn hoặc cồn i ốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn.

Tại gia đình có thể sử dụng các thứ sẵn có trong nhà như xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm, rượu, cồn để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. (Lưu ý là không bôi dầu hỏa, dầu cao hoặc đắp lá, đắp thuốc kín vết thương).

Sau khi sơ cứu vết thương, việc cần làm tiếp theo là:  người bị chó cắn đến ngay các “Điểm tiêm văc xin phòng dại” để được khám, xử lý tiếp vết thương (nếu cần) và tiêm văc xin điều trị dự phòng bệnh dại.

Lan Hiền , Nữ - 19  Tuổi

Xin ông cho biết bệnh dại ở Việt Nam đã được giải quyết đến đâu rồi? Mới vừa rồi facebook xôn xao vụ tranh luận rọ mõm/không rọ mõm chó trên phố đi bộ. Phía chủ chó nói có những loại không cần rọ mõm vì đã tiêm phòng đầy đủ và giống chó hiền, không cắn người. Ý kiến của ông/bà về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Ngọc Tiến: Hiện nay, tại Việt Nam, trung bình 1 năm có khoảng 70-80 người bị tử vong do bệnh dại và khoảng 400.000 ngàn người bị chó cắn phải đến cơ sở y tế để điều trị dự phòng. Hiện nay, chính phủ dự kiến triển khai chương trình quốc gia khống chế và loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021 để giảm thiểu số người bị tử vong và bị chó cắn.

Theo quy định, tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của chính phủ, việc thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 ngàn đồng.

Theo quy định, tại Nghị định số 05/2013/NĐ-CP của chính phủ, cấm thả rông chó ở những nơi công cộng, những nơi đông dân cư ở khu đô thị. Đồng thời, ở nơi công cộng, khu đông dân cư, khu đô thị phải nhốt, phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt. Hơn nữa,bệnh dại cũng có thể lây cho người qua viết thương hở khi bị chó nghi mắc bệnh dại liếm.

Ngay cả khi chó đã được tiêm phòng vắc xin dại mà cắn người thì người bị chó cắn vẫn phải đến nơi tiêm phòng để được xử lý y tế.

Do vậy, bạn nên tuân thủ các quy định về quản lý chó nuôi và phòng chống bệnh dại của chính phủ. 

Tran Toan , Nam - 35  Tuổi

Trong thời gian tiêm phòng dại có phải kiêng khem gì không thưa chuyên gia?

PGS.TS Hoàng Văn Tân: Trong thời gian tiêm phòng dại (điều trị dự phòng bệnh dại) không được sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch như các thuốc dạng steroids, chloroquine (thuốc chống sốt rét) và các thuốc điều trị ung thư.

Không hạn chế chế độ ăn hay loại thức ăn nào trong đợt điều trị bằng vắc xin.

Thanh Hoa , Nữ - 48  Tuổi

Cách đây 12 năm, cháu họ tôi bị chó cắn phải đi tiêm phòng dại. Sau đó cháu lên đại học rồi phát bệnh tâm thần. Cả nhà cứ bảo đó là do ngày xưa tiêm vắc xin phòng dại nên bị ảnh hưởng đến thần kinh. Xin chuyên gia giải đáp giúp. Xin cảm ơn

ThS Nguyễn Thị Hường: Người bị mắc bệnh tâm thần do rất nhiều nguyên nhân, tuy nhiên không có nguyên nhân nào là do tiêm vắc xin phòng dại nhất là từ sau năm 2000, Việt Nam đã nhập các vắc xin thế hệ mới với độ an toàn và hiệu quả cao. Vắc xin thế hệ mới này là vắc xin bất hoạt hầu như không gây ra tác dụng phụ và được khuyến cáo sử dụng cho hầu hết mọi người. Vì vậy nếu cháu của bạn bị phát bệnh tâm thần cần đưa cháu đến các bệnh viện chuyên khoa tâm thần khám để tìm ra đúng nguyên nhân gây bệnh và điều trị đúng bệnh để phục hồi.

Xuân Ánh, Nam - 44  Tuổi

Nếu trẻ con vô tình bị chó, mèo mắc bệnh dại cào xước mà không nói với người thân thì nguy cơ mắc bệnh mà không tiêm phòng sẽ rất cao đúng không ạ? Có cách nào để biết sớm các trường hợp mắc bệnh dại hay không?

PGS.TS Hoàng Văn Tân: Đúng là như vậy. Trong số các ca tử vong do bệnh dại trong 5 năm qua, có một vài trường hợp trẻ bị chó cắn nhưng không nói với gia đình và đã bị tử vong do mắc bệnh dại. Đầu năm 2016 cũng có 1 cháu trai (13 tuổi, dân tộc Tày ở xã Mường Bảng, Mai Sơn, Sơn la) bị chó cắn vào đầu nhưng không nói với gia đình và đã bị chết do bệnh dại (ngày 15/1/2016).

Hiện nay vẫn chưa có cách nào để phát hiện sớm được bệnh dại trên người. Các xét nghiệm chẩn đoán xác định bệnh dại chỉ thực hiện được vào thời kỳ phát bệnh của bệnh dại.

Trần Bá Bình An , Nam - 33  Tuổi

Tôi nghe nói chích ngừa dại sẽ gây mất trí nhớ, điều này có đúng không. Xin các chuyên gia giải thích dùm vấn đề này. Ngoài ra, khi chích ngừa dại thì con người có bị tác dụng phụ gì không? Xin cám ơn

PGS.TS Hoàng Văn Tân: Vắc xin dại tế bào thế hệ mới hiện nay khi tiêm phòng không ảnh hưởng đến trí thông minh của người bệnh và không thể gây ra bệnh dại vì chủng vi rút dại trong vắc xin đã bị bất hoạt hoàn toàn.

Có thể có một số phản ứng ở mức độ nhẹ xảy ra sau khi tiêm văcxin dại như: đau, quầng đỏ, sưng  ngứa và nổi cứng tại nơi tiêm. Ở một số người cũng có thể có các triệu chứng toàn thân như: sốt vừa, đau đầu, chóng mặt, đau cơ, khớp, buồn nôn. Nhưng tất cả các phản ứng này chỉ là tạm thời và sẽ tự khỏi, hiếm khi cần đến thuốc. Bệnh nhân tiêm văc xin dại cần biết về các phản ứng phụ có thể xảy ra này, nhưng họ phải được tư vấn rằng phải tiếp tục tiêm văc xin ngay cả khi có những phản ứng phụ tại chỗ hoặc toàn thân.

Thanh Minh , Nam - 51  Tuổi

Nguồn thú nuôi nhập ngoại vào nước ta hiện nay rất lớn. Cục YTDP biện pháp gì để kiểm soát và đảm bảo được nguồn dịch không xâm nhập vào nước ta?

Ông Nguyễn Ngọc Tiến: Theo quy định, tất cả chó nhập khẩu đều phải được kiểm dịch theo quy định, 

"1. Chó cảnh nhập khẩu vào Việt Nam từ vùng lãnh thổ, nước không có bệnh dại phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu xác nhận là không có triệu chứng lâm sàng của bệnh dại và chó có nguồn gốc từ vùng lãnh thổ, nước không có bệnh dại ít nhất 06 tháng trước khi xuất khẩu.

2. Chó cảnh nhập khẩu vào Việt Nam có nguồn gốc từ vùng lãnh thổ, nước có bệnh dại phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu xác nhận chó không có triệu chứng lâm sàng của bệnh dại và chó, mèo đã được tiêm phòng bệnh dại và đang còn miễn dịch". 

Chu Thanh Nga , Nữ - 25  Tuổi

Em năm nay 25 tuổi, và từng bị chó dại cắn cách đây 3 tháng. Em có đi tiêm phòng. Tuy nhiên, hiện giờ em muốn mang thai nhưng rất lo lắng không hiểu sau khi tiêm một thời gian ngắn như vậy thì có ảnh hưởng đến việc mang thai và sự phát triển của thai nhi hay không ạ. Bác sĩ tư vấn giúp em, hiện em đang rất băn khoăn.

PGS.TS Hoàng Văn Tân: Không bị ảnh hưởng gì đến sức khỏe và thai nhi vì vắc xin dại tế bào hiện nay rất an toàn có thể sử dụng tiêm phòng trước khi bị chó cắn và có thể tiêm được cho phụ nữ có thai kể cả đang cho con bú.

(Tiếp tục cập nhật)...

VietNamNet

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.